Công tác tuyên huấn, giáo dục Hà Huy Giáp

Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 3-1951), Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam gồm các Ủy viên Trung ương Đảng công tác ở Nam Bộ để thay mặt Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến ở miền Nam trong điều kiện giao thông liên lạc có nhiều khó khăn. Trung ương Cục miền Nam gồm các đồng chí Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Hà Huy Giáp, Nguyễn Văn Kỉnh, Ung Văn Khiêm; do đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư.

Trung ương Cục đã chủ trương xuất bản tạp chí lý luận, lấy tên là tạp chí Nghiên cứu, với tiêu đề "Cơ quan lý luận của Trung ương Cục miền Nam Đảng Lao động Việt Nam". Tạp chí xuất bản không định kỳ, khuôn khổ và độ dày các số cũng không đều nhau. Tạp chí do ông làm Chủ nhiệm, Nguyễn Văn Nguyễn làm Chủ bút, Nguyễn Hồng Việt làm quản lý trị sự.[1]

  • Sau năm 1954 ông tập kết ra miền Bắc.
  • Năm 1955 ông tham gia làm Ủy viên Ban biên tập Tạp chí Học tập (tiền thân của Tạp chí Cộng sản) cùng với các ông Võ Nguyên Giáp, Trần Quang Huy. Tổng biên tập là Tổng bí thư Trường Chinh [2]
  • Năm 1956, ông làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục Bộ Giáo dục của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa.
  • Năm 1960, ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa III.
  • Năm 1963 đến năm 1974, ông làm Bí thư Đảng đoàn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa với nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Hoàng Minh Giám làm công tác văn hóa và phụ trách văn nghệ. Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn ông: "Văn hóa văn nghệ thì không tiếp xúc được tập thể. Họ đòi tình cảm là chính. Phê bình họ, lý tình phải đi đôi với nhau. Làm cho họ buồn, họ không sáng tác được. Chú có cái nhược điểm là hay nói thẳng. Chú được cái là không để bụng, không trù dập ai. Nói thẳng là tốt, nhưng phải lựa lời mà nói, lựa lúc mà nói... Gặp văn nghệ sĩ, chú phải gặp riêng từng người một. Nói chung lãnh đạo ai cũng vậy, phải có lý có tình. Đối với văn nghệ sĩ, phải có tình trước rồi mới đưa họ vào lý. Công việc chú bây giờ khó hơn nhiều. Rốt cuộc mình hiểu biết anh em, coi trọng anh em, thì anh em coi trọng mình, nghe mình...[3]

Ngoài ra ông còn đảm nhiệm chức vụ Bí thư Đảng Đoàn Liên hiệp các Hội Văn học,nghệ thuật Việt Nam.

  • Tháng 6 năm 1976 ông làm Trưởng ban phụ trách xây dựng Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh. Sau đó ông là Viện trưởng Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh kiêm Phó ban nghiên cứu Lịch sử Đảng cho đến năm 1987 thì nghỉ hưu về sống tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Mặc dù là cán bộ cao cấp, nhưng ông vẫn sống khiêm tốn, trong sạch và giản dị, tất cả vì công việc chung. Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng đã viết: "Không phải vô cớ Trung ương bố trí anh làm Viện trưởng Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh". Ông là người học trò mẫu mực của Bác Hồ, sống trong sáng, chết thanh thản, cả cuộc đời tận tâm cho Đảng, cho dân.